THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG TRƯỜNG HỌC

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
——-                                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 33/2018/TT-BGDĐT                                             Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG TRƯỜNG HỌC

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định
về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn công tác xã hội trong
trường học.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã
hội trong trường học.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông,
trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo
dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam có người
học dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); các cơ quan, tổ chức và cá nhân
có liên quan.
Điều 2. Mục đích của công tác xã hội trong trường học
1. Nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng,
khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo
vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế
tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.
2. Nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ của người học trong việc
hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên
trong cơ sở giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội trong trường học.
3. Kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy hoạt
động công tác xã hội trong trường học.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện công tác xã hội trong trường học
1. Giữ bí mật các thông tin cá nhân của người học, trường hợp chia sẻ thông tin phải thực
hiện theo quy định của pháp luật.
2. Tôn trọng các đặc điểm riêng biệt, tính cách, phẩm chất, hoàn cảnh cá nhân của người
học, đặt người học vào vị trí trung tâm của các hoạt động trợ giúp.
3. Lắng nghe ý kiến của người học và tạo cơ hội để người học tham gia tối đa vào việc
thảo luận các giải pháp đối với những vấn đề của bản thân.
4. Bảo đảm mọi quyết định đưa ra đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích tốt nhất của
người học nhưng không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Bảo đảm mối quan hệ bình đẳng, khách quan, chuẩn mực giữa người học với người
tham gia công tác xã hội trong trường học.
Điều 4. Nội dung công tác xã hội trong trường học
1. Phát hiện các nguy cơ trong và ngoài cơ sở giáo dục có ảnh hưởng tiêu cực đến người
học; phát hiện các vụ việc liên quan đến người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có
hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
2. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc
biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật
3. Thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị
xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
4. Phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công
tác xã hội tại cộng đồng, thực hiện việc can thiệp, trợ giúp đối với người học cần can
thiệp, trợ giúp khẩn cấp hoặc giáo viên, người học có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ.
5. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng cho người học sau can
thiệp hoặc người học, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng
đồng.
Điều 5. Rà soát, phát hiện nguy cơ
1. Rà soát, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và các hiện tượng
bất thường của người học. Chủ động phát hiện người học có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy
cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nghỉ học thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại, bị
bạo lực, vi phạm pháp luật.
2. Thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin của cơ sở giáo dục như hòm thư góp ý, đường
dây nóng hoặc các hình thức sử dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận các vụ việc có
nguy cơ gây tổn hại đến người học.
Điều 6. Phòng ngừa
1. Tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo và hướng dẫn người học về các tình huống, nguy cơ
rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Tích cực
phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin
đại chúng để tuyên truyền, vận động cộng đồng, xã hội kịp thời phản ánh thông tin về các
vụ việc liên quan đến người học và tham gia xây dựng môi trường trường học an toàn,
lành mạnh.
2. Hướng dẫn người học, cha mẹ hoặc người giám hộ của người học, giáo viên, cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục sử dụng các dịch vụ hỗ trợ từ cơ sở giáo dục, Tổng đài điện thoại
Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số 111, Trung tâm công tác xã hội các cấp hoặc các đơn vị
cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu, trang bị cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người học,
giáo viên các kiến thức, kỹ năng, phương pháp phát hiện các trường hợp người học có
nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ bỏ học, bị căng thẳng, khủng hoảng, nguy cơ
bị xâm hại, bị bạo lực và trách nhiệm thông báo, phối hợp giải quyết cùng cơ sở giáo dục.
Điều 7. Can thiệp, trợ giúp
1. Tiếp nhận thông báo và đánh giá ban đầu
a) Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học tiếp nhận thông báo và đánh giá ban đầu về nhu cầu hỗ trợ của người
học;
Lập báo cáo tiếp nhận thông tin chi tiết theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã
hội trong trường học trao đổi, lấy ý kiến của người học và các đối tượng liên quan để xác
minh lại thông tin vụ việc. Đánh giá toàn diện nhu cầu cần hỗ trợ của người học dựa trên
mức độ và nguy cơ bị tổn hại;
Lập báo cáo đánh giá mức độ, nguy cơ tổn hại và nhu cầu của người học chi tiết theo
Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Chỉ định phương án can thiệp, trợ giúp
Căn cứ kết quả xác minh và đánh giá nhu cầu của người học, Thủ trưởng cơ sở giáo dục
quyết định phương án can thiệp, trợ giúp đối với người học.
2. Đối với trường hợp can thiệp, trợ giúp tại cơ sở giáo dục
a) Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp dựa trên kết quả đánh giá toàn
diện về vụ việc hoặc nhu cầu của người học, xác định mục tiêu và các hoạt động can
thiệp, trợ giúp người học;
Lập kế hoạch can thiệp trợ giúp người học trong cơ sở giáo dục theo Mẫu số 03 ban hành
kèm theo Thông tư này.
b) Phê duyệt Kế hoạch can thiệp trợ giúp
Sau khi nhận được Kế hoạch can thiệp, trợ giúp người học, Thủ trưởng cơ sở giáo dục có
trách nhiệm phê duyệt trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc.
c) Thực hiện Kế hoạch can thiệp, trợ giúp người học
Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học chủ trì, phối hợp với người học, gia đình người học và các bên liên quan
thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp người học theo Kế hoạch được Thủ trưởng cơ sở
giáo dục phê duyệt. Theo dõi, giám sát việc thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp và
kịp thời điều chỉnh các hoạt động can thiệp, trợ giúp nếu cần thiết.
d) Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp người học
Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học đánh giá tình trạng và nguy cơ người học bị tổn hại sau can thiệp trợ
giúp, đưa ra các nhận định, kết luận về tình trạng hiện tại của người học và nguy cơ bị tổn
hại sau khi thực hiện các biện pháp can thiệp, trợ giúp. Báo cáo rà soát, đánh giá tình
trạng của người học sau can thiệp, trợ giúp theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư
này;
Trường hợp người học không còn tổn hại hoặc nguy cơ bị tổn hại thì báo cáo Thủ trưởng
cơ sở giáo dục để kết thúc quy trình can thiệp, trợ giúp;
Trường hợp người học vẫn còn tổn hại hoặc nguy cơ bị tổn hại, tiếp tục thực hiện can
thiệp, trợ giúp hoặc lập kế hoạch can thiệp, trợ giúp mới, phù hợp với tình trạng của
người học.
3. Đối với trường hợp can thiệp, trợ giúp tại cộng đồng
a) Trường hợp người học bị xâm hại, bị bạo lực hoặc các vụ việc khác có mức độ phức
tạp vượt quá khả năng can thiệp, hỗ trợ của cơ sở giáo dục
Cơ sở giáo dục thực hiện chuyển, gửi đến một trong các cơ quan sau: Ủy ban nhân dân
cấp xã; Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số 111; Cơ quan Công an cấp xã;
Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện; Trung tâm công tác xã hội cấp
tỉnh, thành phố hoặc các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp quận, huyện tại
địa phương;
Cơ sở giáo dục liên hệ trực tiếp với Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số
111 để được hướng dẫn hoặc có Công văn chuyển, gửi vụ việc của người học đến các cơ
quan liên quan trong thời hạn không quá 12 giờ làm việc kể từ khi nhận được thông báo;
Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học phối hợp với đơn vị tiếp nhận người học để hỗ trợ, theo dõi, giám sát
quá trình tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp bảo đảm phù hợp với nhu cầu của người học.
b) Trường hợp người học bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học do vấn đề văn hóa, tôn giáo, di
cư, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn vượt quá khả năng hỗ trợ của cơ sở giáo dục
Cơ sở giáo dục thông báo trực tiếp hoặc báo cáo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi người học cư trú để hỗ trợ, vận động người học trở lại trường hoặc có giải pháp
quản lý tại địa phương.
Điều 8. Hỗ trợ phát triển
1. Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học
a) Phối hợp với giáo viên, cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã hỗ trợ người học sau khi kết thúc
quy trình can thiệp, trợ giúp được tham gia một cách bình đẳng các hoạt động tại cơ sở
giáo dục và cộng đồng;
b) Cập nhật và cung cấp thông tin về luật pháp, chính sách xã hội liên quan cho người
học, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục và cha mẹ hoặc người giám hộ để giúp
người học tiếp cận hệ thống trợ giúp xã hội;
c) Tham mưu Thủ trưởng cơ sở giáo dục hình thành và phát triển các dịch vụ công tác xã
hội trong trường học phù hợp với nhu cầu của người học;
d) Tham mưu Thủ trưởng cơ sở giáo dục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các
chính sách liên quan đến người học và thúc đẩy việc thực hiện quyền của người học.
2. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng phong trào kết nghĩa giữa trường
học với cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương, huy động nguồn lực để hỗ trợ người học
có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động công tác xã hội tại cơ sở giáo
dục.
Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát
việc thực hiện Thông tư này tại các địa phương và các cơ sở giáo dục;
b) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các
cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương, xây dựng kế hoạch phối hợp và tổ
chức hoạt động công tác xã hội cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội tổ chức xây dựng, thẩm
định các tài liệu tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác xã hội trong trường học cho
cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục;
d) Tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động công tác xã hội trong trường học
để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp.
2. Các Vụ Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục
Thường xuyên phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên lồng
ghép các nội dung của công tác xã hội trong trường học vào các chương trình tập huấn,
nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục.
3. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, chỉ đạo các địa phương cập nhật nội
dung hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên kiêm nhiệm làm đầu mối tham mưu
triển khai công tác xã hội trong trường học vào kế hoạch chung của ngành.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương tích cực, chủ động phối hợp với các
cơ sở giáo dục trên địa bàn giải quyết các trường hợp người học bị bạo lực, bị xâm hại,
bỏ học, hoặc có nguy cơ bỏ học do vấn đề văn hóa, tôn giáo, di cư, hoàn cảnh kinh tế gia
đình khó khăn vượt quá khả năng hỗ trợ của cơ sở giáo dục.
2. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành của địa phương tích cực phối hợp
với các cơ sở giáo dục thực hiện các hoạt động công tác xã hội trong trường học theo
phân cấp quản lý.
Điều 11. Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo
1. Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ
quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội,
Trung tâm công tác xã hội và các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương
để hỗ trợ thực hiện hoạt động công tác xã hội trong trường học và tiếp nhận các trường
hợp người học được chuyển, gửi để sử dụng các dịch vụ bên ngoài trường học.
2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
3. Phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội và cơ quan Tài chính cùng
cấp tham mưu chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện chế độ chính sách đối với
cán bộ, giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác
xã hội trong trường học phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Điều 12. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở giáo dục
1. Xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này và tạo điều kiện
để cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục tham gia bồi dưỡng, tập huấn nâng
cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội trong trường học.
2. Chịu trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học, bố trí nhân sự kiêm
nhiệm làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội trong trường học. Đối với các cơ
sở giáo dục ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có khả năng tự cân đối tài chính, tùy thuộc
vào điều kiện của cơ sở giáo dục có thể hợp đồng cán bộ chuyên trách triển khai công tác
xã hội trong trường học.
3. Bảo đảm các điều kiện để thực hiện các nội dung hoạt động công tác xã hội trong
trường học tại cơ sở giáo dục.
4. Phối hợp, hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội tổ chức thực hành, thực tập,
trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về công tác xã hội trong trường học tại cơ sở giáo dục.
Điều 13. Trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục
1. Giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội
trong trường học chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động công tác xã
hội trong trường học theo thẩm quyền được quy định tại Thông tư này.
2. Giáo viên, nhân viên, cán bộ trong cơ sở giáo dục có trách nhiệm phát hiện, báo cáo
Thủ trưởng cơ sở giáo dục hoặc thông báo với giáo viên, nhân viên được phân công làm
đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội trong trường học các trường hợp người học
có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật hoặc các nguy cơ
khác và phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham
mưu triển khai công tác xã hội trong trường học thực hiện hoạt động phòng ngừa, can
thiệp, trợ giúp người học tại cơ sở giáo dục.
Điều 14. Trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh
1. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và cha mẹ người học phát hiện,
tiếp nhận thông tin về các trường hợp người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị bạo lực, bị xâm
hại, bỏ học, vi phạm pháp luật. Chủ động đề xuất và phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức
các hoạt động phòng ngừa cho người học.
2. Tích cực, phối hợp với giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu
triển khai công tác xã hội trong trường học tham gia các hoạt động can thiệp, trợ giúp
người học tại cơ sở giáo dục và cộng đồng khi có đề nghị của cơ sở giáo dục.
3. Phân công trách nhiệm của các thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp
cùng cơ sở giáo dục trong các hoạt động hỗ trợ phát triển cho người học.
Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội trong cơ sở giáo dục
1. Hướng dẫn các đoàn viên, đội viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tích cực tham
gia các hoạt động công tác xã hội trong trường học.
2. Chủ động thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm làm công tác xã hội với nòng cốt là các
đoàn viên, đội viên trong trường, lớp để trợ giúp các người học có hoàn cảnh đặc biệt
được tham gia một cách bình đẳng các hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục và cộng
đồng.
Điều 16. Trách nhiệm của người học trong cơ sở giáo dục
1. Chủ động phát hiện, báo cáo giáo viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham
mưu triển khai công tác xã hội trong trường học hoặc các giáo viên, nhân viên khác trong
cơ sở giáo dục các trường hợp người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi
bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật hoặc các vấn đề khác có liên quan đến giáo viên,
người học.
2. Tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp các trường hợp người
học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bị bắt nạt, bỏ học, vi phạm pháp luật.
3. Chủ động cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân, kiến thức, kỹ năng
phòng tránh các tình huống nguy hiểm. Có trách nhiệm báo cáo với cha mẹ hoặc giáo
viên, nhân viên được phân công làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội trong
trường học, cán bộ, giáo viên, nhân viên khác trong cơ sở giáo dục các vấn đề, khó khăn
của bản thân.
Điều 17. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội
1. Tham gia xây dựng tài liệu và phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo tổ chức bồi
dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác xã hội trong trường học cho cán bộ, giáo
viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.
2. Phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho sinh viên ngành công tác xã hội đến thực
hành, thực tập trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về công tác xã hội.
Điều 18. Đề nghị các tổ chức xã hội
1. Vận động các thành viên của tổ chức và xã hội tham gia, hỗ trợ các hoạt động công tác
xã hội trong trường học nhằm duy trì môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,
không bạo lực.
2. Tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của người
học chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn xây dựng các chính sách liên quan
đến người học và thúc đẩy việc thực hiện quyền của người học.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 2 năm 2019.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở giáo dục và đào
tạo, các tổ chức xã hội và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch Nước;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cơ quan TW của các đoàn thể;
– Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Các Cục, Vụ thuộc Bộ GDĐT;
– Các Sở GDĐT; Sở LĐTBXH;
– Công báo;
– Cổng TTĐT Chính phủ;
– Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
– Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDCTHSSV (5b)